Chùa Trô Pras Bat (Chùa Chông Bát)
Chuyên mục: Tour du lịch | Date: 09/12/2024 14:15Quét mã để xem trên di động
Chùa Trô Pras Bat (Chùa Chông Bát) là ngôi chùa có nhiều đóng góp cho cách mạng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc. Chùa cũng là cái nôi của phong trào cách mạng trong vùng, là nơi khởi xướng, tham gia nhiều phong trào đấu tranh chính trị.
Chùa Trô Pras Bat (Chùa Munijotayàràma hay còn được gọi là Chùa Chông Bát) được xây dựng năm 1646 thuộc loại hình di tích lịch sử, tọa lạc tại ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú. Từ trung tâm Trà Vinh theo quốc lộ 54 đi về Trà Cú, đi khoảng 20km đến ngã ba Trạm (Phước Hưng) rẽ trái vào hương lộ 25 tiếp tục đi thêm khoảng 5km đến ngã tư Tân Hiệp lại rẽ trái theo hương lộ 18 đi Chông Bát đi khoảng 3km sẽ gặp di tích chùa Trô Pras Bat.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các vị trụ trì chùa đều là những người có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, vì vậy nhà chùa cùng các sư sãi và phật tử đã hết lòng ủng hộ, tham gia, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến giành độc lập.
Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Trô Pras Bat có những đặc trưng chung của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ là khuôn viên rộng rãi với nhiều công trình kiến trúc.
Cổng chính của chùa quay mặt về hướng Bắc được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo phong cách kiến trúc cổ truyền của người Khmer. Cổng tam quan với 3 cửa ra vào, cửa ở giữa rộng hơn hai bên. Trên mái là ba ngọn tháp tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng được tạo tác rất công phu, tháp giữa cao hơn tháp hai bên. Trên các cột cổng cũng được trang trí hình tượng chim thần Krud và tiên nữ Key Nor.
Vào cổng khoảng 60m ta sẽ gặp chính điện. Chính điện được xây dựng lại vào năm 2007, đây là công trình quan trọng với kiến trúc qui mô nhất, là nơi tập trung tài năng, kỹ xảo của những nghệ nhân Khmer và biểu thị các giá trị kiến trúc, điêu khắc, hội họa truyền thống của dân tộc.
Nghệ thuật kiến trúc ngôi chính điện chùa Khmer nói chung, chùa Trô Pras Bat nói riêng đều theo kiểu Ku Hea (hang động) của Bà La Môn giáo nhằm giữ được yên tĩnh cho các nhà sư ngồi thiền. Ngày xưa Ku Hea chỉ có một cửa, sau này thêm nhiều cửa để dễ ra vào khi đông người nhưng cửa chính thì phải ở phía đông để đón ánh sáng mặt trời vào buổi sáng được xác định là cửa trước. Riêng chính điện chùa Trô Pras Bat thì hiện nay có 10 cửa ra vào, hướng Đông 2 cửa, hướng Tây 2 cửa, hai bên hông Bắc và Nam mỗi bên 3 cửa.
Khung sườn chịu lực ngôi chính điện làm bằng xi măng cốt thép với hai hàng cột tròn gồm 12 cột mỗi bên 6 cột theo chiều dọc. Trên các cột đều trang trí mô típ hoa văn hoa lá. Vách chính điện được xây bằng tường gạch. Bốn vách mặt trong chính điện đều được trang trí các tranh vẽ với 24 bức về chủ đề cuộc đời của Đức Phật. Hai vách hướng Đông và Tây mỗi vách 5 bức, hai vách hông cạnh Bắc và Nam mỗi vách 7 bức. Trên trần chính điện cũng được trang trí tranh vẽ gồm 19 bức với các biểu tượng bánh xe pháp luân, hoa sen, rồng, hoa lá… Cửa ra vào và các cửa sổ ở chính điện được làm bằng gỗ. Nội thất chính điện là nơi tín đồ đến thực hành nghi lễ. Nằm sát vách ở hướng Tây là bàn thờ Phật có chiều dài 4m, chiều rộng 3,6m, chiều cao 2,2m. Chính dưới bàn thờ Phật này nhà chùa đã cho làm một hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Hầm bí mật dạng hình vuông mỗi cạnh 2,5m, chiều cao 2,2m chứa trên 10 người có cửa ra vào nằm phía sau bàn thờ Phật (cạnh hướng Tây). Cửa ra vào cũng hình vuông mỗi cạnh khoảng 40cm. Mỗi khi có động các cán bộ cách mạng xuống hầm ẩn tránh bằng cách người xuống đầu tiên được người trên nắm lấy áo chịu lại để xuống. Tiếp sau đó người xuống trước lần lược đỡ người xuống sau, người xuống sau cùng sẽ dùng tay lấy các tượng Phật để gần đó đậy cửa hầm lại. Hầm bí mật này sau ngày giải phóng khi tu bổ lại chùa thì được lấp lại.
Trên bàn thờ Phật được bố trí nhiều tượng Phật lớn nhỏ khác nhau. Tượng lớn nhất là tượng Phật Preas Chi ngồi dưới cây bồ đề cùng hàng chục tượng Phật nhỏ khác tất cả đều đặt quay mặt về hướng đông. Bởi theo quan niệm thì người Khmer cho rằng Phật ở Phương Tây nhưng lúc nào cũng quay về hướng đông để cứu vớt chúng sinh. Nền chính điện lát gạch bông, mái lợp ngói vẩy cá. Mái chính điện có ba cấp, mỗi cấp lại chia thành ba nếp, nếp giữa được nâng cao hơn hai nếp hai bên, ở giữa có một ngọn tháp cao vút. Trên các diềm mái đều có đắp hình tượng Chhu Hhia bằng xi măng (hình tượng rồng cách điệu). Đầu hồi (Hô Chiêng) ở hướng Đông trang trí hình tượng Phật đản sinh, đầu hồi hướng Tây trang trí hình tượng Phật tọa thiền.
Trên 28 đầu cột bên ngoài chính điện đều trang trí hình tượng chim thần Krud, tiên nữ Key Nor để đỡ mái gồm 24 tiên nữ và 4 chim thần ở 4 góc. Ở hai đầu chính điện có xây phần sảnh (thảo bạc) để lên xuống. Ở hai bên lối lên có các hình tượng sư tử vua Rẹach Sây và rắn Na Ga 5 đầu nhằm tăng thêm sư uy nghiêm cho chùa.
Chính điện có hành lang bao quanh được ngăn cách bởi lan can và hàng rào. Trên mỗi đầu cột rào đều gắn hình tượng hoa sen và đầu thần 4 mặt Ma ha Prum. Ở bốn góc trên nền chính điện còn có 4 tháp cốt. Ở hướng đông chính điện có bàn thờ Theu Va Da (Ông Thiên), ở hướng tây có cột cờ… Nếu ngôi chùa là “mảnh đất dụng võ” của các nghệ nhân Khmer thì ngôi chính điện là nơi tập trung tất cả các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có các tăng xá, sa la để các vị sư nghỉ ngơi, tu học, bà con phật tử cùng các sư sãi hành đạo. Đặc biệt, ở hướng đông chính điện còn có một tháp thờ bàn chân Phật, đây là nơi thờ bàn chân Phật duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Những công trình này đều là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Khmer.
Trải qua tiến trình lịch sử, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm linh của người Khmer. Chùa Trô Pras Bat là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của dân tộc như: Bnonl Chôl Chnam Thmây (Lễ Chịu tuổi hay Tết mừng năm mới); Senl Đôn Ta (Lễ Cúng ông bà); Bnonl Som Peah Khe (Lễ Ok Om Bok hay Lễ Cúng trăng hoặc Đút cốm dẹp); Bnonl Ka Thi Na (Lễ Dâng y cà sa); Bnonl Meak Bô Chea (Lễ Ban hành giáo lý); Bnonl Pi Sak Bô Chea (Lễ Phật đản); Bnonl Chol Vasa (Lễ Nhập hạ); Bnonl Chênl Vasa (Lễ Xuất hạ).
Ngoài các lễ hội tiêu biểu trên, trong năm nhà chùa còn tổ chức nhiều lễ hội khác như Lễ kiết giới chính điện; Lễ an vị tượng Phật; Lễ đặt cơm vắt… và hàng tháng đến chùa tụng kinh niệm Phật bốn lần.
Chùa cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục, là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc Khmer. Việc xếp hạng, bảo tồn và phát huy sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: Trần Thị Tố Quyên – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh
(Bảo tàng tổng hợp).