Khám phá phế tích kiến trúc Lưu Cừ II
Chuyên mục: Điểm đến | Date: 09/12/2024 08:48Quét mã để xem trên di động
Di tích Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia hơn chục năm nay nhưng chưa được nhiều người biết đến. Trong chuyến về Trà Cú lần này, với máu nghề khảo cổ, tôi quyết định đến Lưu Cừ II để tìm hiểu và viết đôi nét để cung cấp thông tin về di tích này.
Di tích Lưu Cừ II được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986 tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tháng 12/1986 tiến hành khai quật và đến tháng 02/1987 kết thúc. Ngày 09/01/1990 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 34 VHQĐ công nhận là di tích cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích khảo cổ học (phế tích kiến trúc Lưu Cừ II).
Con đường đến di tích đã được rải nhựa lán bong, chỉ hơn 10 phút rời thị xã tôi đã có mặt tại địa điểm. Thấy có xe khách vào, anh bảo vệ chạy ra chào, qua vài lời giới thiệu chúng tôi biết danh tánh của nhau. Nghe tôi trình bày về mục đích của mình, anh Thạch Sóc – bảo vệ di tích vui vẻ hướng dẫn tôi tham quan và cung cấp cho tôi những thông tin mà anh biết được.
Di tích Lưu Cừ II được khai quật cuối năm 1986. Sau khi khai quật đã xuất lộ chân diện của một kiến trúc đồ sộ bằng gạch. Kiến trúc được xây có bình diện hình chữ nhật, chiều dài khoảng 30m theo hướng đông tây, chiều rộng khoảng 17, 18m theo hướng bắc nam, chiều cao hiện còn khoảng 1,5m. Hướng đông là hướng chính có bậc thềm đi lên ở giữa, hai đầu có dạng bẻ góc vuông nhiều lần. Hai cạnh phía bắc và nam cân xứng, cạnh phía tây thẳng và vuông góc với hai cạnh bắc nam. Cấu tạo kiến trúc gồm hai phần chính: Kiến trúc bên ngoài và kiến trúc bên trong.
Kiến trúc bên ngoài gồm tường móng kiến trúc bao ngoài, tường móng kiến trúc bao trong. Tường móng kiến trúc bao ngoài phía đông là hướng chính, tường móng nằm ngay ở giữa dài khoảng 3,5m; chiều rộng được xây theo dạng bậc thềm gồm 3 bậc; chiều dài theo hướng bắc nam, đầu bắc và nam bẻ góc vuông nhiều lần. Ở đầu phía bắc tường móng bẻ góc vuông về hướng tây và bắc. Đầu phía nam tường móng bẻ góc vuông về hướng tây và nam. Có 20 góc vuông và 20 cạnh dài ngắn nằm cân đối nhau qua trục giữa đông – tây. Cạnh dài nhất là hai tường móng chính ở phía bắc và phía nam, dài khoảng 25m.
Trên những đoạn thẳng bẻ góc ở phía nam có xây gờ cột. Trên mặt gờ cột của lần bẻ góc thứ ba, thứ tư có hình những bông hoa bốn cánh và hình kỷ hà. Gờ xây trên các đoạn thẳng bẻ góc lần thứ năm và thứ sáu có dạng hình hổ phù.
Tường móng phía bắc và phía nam trên các vách có xây 9 gờ cột. Các gờ cột nằm đối xứng nhau một khoảng rộng trung bình hơn 1m. Trên mặt gờ cột gạch xây cũng có hình hổ phù. Nhìn chung tường móng vòng ngoài của kiến trúc được xây với trình độ kỹ thuật khá cao. Đặc biệt, mặt ngoài của kiến trúc được làm cẩn thận, tường kiến trúc phẳng, góc cạnh đều đặn, đẹp, uy nghiêm. Nguyên liệu chính để xây là gạch. Gạch có màu đỏ hoặc đỏ nhạt, kích thước khoảng 25x16cm. Chất kết dính không phải bằng vôi vửa hay cát mà chúng được liên kết với nhau bằng một hợp chất kết dính như keo dán. Khoảng cách giữa các viên gạch hầu như không đáng kể. Ngoài loại gạch trên còn có gạch khuyết có dạng một vai hoặc hai vai. Một số ít viên được chạm hình kỷ hà, hình cánh hoa. Những viên gạch này dùng để xây ở các góc cạnh và gờ cột.
Tường móng bên trong có cấu tạo giống như đường bêin bên ngoài nhưng bẻ góc ít hơn. Bậc tam cấp phía đông có 5 bậc. Đường biên móng của mặt thềm đi lên dài khoảng 3m, mỗi đầu được bẻ góc vuông 6 lần đi về phía tây bắc và tây nam tạo thành bình đồ kiến trúc bên trong với 16 góc vuông và 16 cạnh. Các tường móng phía đông được xây theo lối xiên choãi hình bậc thang, hàng trên thục vào so với hàng dưới tạo cho tường móng có dạng rộng ở chân và hẹp dần lên bề mặt. Chiều cao từ chân đến bề mặt tường móng cũng là mặt nền kiến trúc. Tường móng xây cân đối, hài hoà, dày tạo thành hành lang bao quanh phần kiến trúc chính. Gạch xây có nhiều loại: Gạch hình chữ nhật, gạch hình chữ nhật có một đầu xiên theo chiều dày tạo mặt cắt ngang viên gạch có hình thang vuông, gạch có một vai ở thân (theo chiều dày viên gạch), gạch hai vai ở đầu (theo chiều rộng), gạch có đầu cong nhọn về một bên,… Tuỳ theo từng loại gạch mà dùng để xây chân móng, xây mặt ngoài, xây gờ cột, góc cạnh, hay xây bậc thềm cho phù hợp.
Kiến trúc bên trong: Kiến trúc bên trong cũng có hình dạng chữ nhật, dài khoảng 17m theo hướng đông tây, rộng khoảng 8m theo hướng bắc nam, gồm có hai phần là kiến trúc bên ngoài và kiến trúc trung tâm.
Kiến trúc bên ngoài là một kiến trúc hoàn chỉnh có 14 ô vuông bằng gạch được xây cách quãng bao vây kiến trúc chính. Ở phíc bắc và nam mỗi bên có 6 ô vuông, phía tây có 2 ô vuông. Phía đông từ bậc thềm đi lên là hành lang của đường móng rồi đến sàn gạch. Tiếp đến là một rãnh nhỏ lắp bằng cát, cuối cùng là m8ạt bằng hình chữ nhật. Mặt bằng này được chia thành hai phần bằng nhau: nửa phần phía nam được đắp cát trắng có chất kết dính, nửa phần phía bắc lát gạch. Các ô đều được xây vuông vắn ở phía trên, trong lòng lắp đầy cát màu xám trắng có chất kết dính.
Kiến trúc trung tâm cũng là một bình đồ hình chữ nhật. Phía đông được lát gạch, phía tây có cấu trúc hình trụ tròn được xếp bằng gạch vỡ và một số gạch nguyên màu đỏ cùng với cát màu nâu đỏ. Trụ tròn được xây chìm trong lòng kiến trúc sâu khoảng 2m thì bị cắt ngang bởi một lớp cát trắng rồi tiếp tục ăn sâu xuống. Phần ở giữa là một mặt bằng được đắp bằng cát trắng lẫn cát đỏ cùng với một vài vỉa gạch đứt đoạn. Gạch xây ở kiến trúc trung tâm ngoài những viên hình chữ nhật còn có gạch hình tam giác, hình thang.
Hơn ba giờ khảo sát di tích, tôi vô cùng thích thú và thán phục tài nghệ của những con người xưa kai. Trước mắt tôi như hiện ra một ngôi đền nguy nga, lộng lẫy của một thời là chốn hành đạo của những tín đồ Bà La Môn giáo. Mãi miết ngắm nhìn, tôi quên cả thời gian. Giật mình, mặt trời đã núp sau những rẫy mía ở phía tây. Tôi vội vã quay sang anh Sóc để nắm thêm thông tin về di vật, nhưng anh không biết nhiều. Dành chia tay anh, tôi quyết định hôm sau sẽ đến Bảo tàng Trà Vinh để tìm hiểu.
Tại Bảo tàng, tôi được các anh em nghiệp vụ cho biết thêm về di tích, được xem một số hiện vật như: bệ đá kiến trúc, linga bằng đá sa thạch, linga bằng đá thạch anh, yoni bằng đá cứng, linga-yoni bằng đá thạch anh, ly bằng đồng, cánh tay tượng bằng đồng, cùng những mảnh hoa văn bằng vàng mà theo anh em đây là những di vật độc đáo. Những di vật này vào năm 2005 Bảo tàng đã đưa đi trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Với một ít vốn liếng về khảo cổ học cùng những tài liệu khoa học lưu tại Bảo tàng cho ta nhận định: Kiến trúc Lưu Cừ II là nơi thờ phụng, đã trải qua hai giai đoạn kiến tạo và tồn tại sớm muộn khác nhau.
Giai đoạn đầu là nền móng bể góc ở trong và các bệ gạch hình khối trụ vuông xây ở ba mặt tây, nam, bắc bên ngoài. Ở thời kỳ này, tường móng được xây xiên choãi theo dạng hình bậc thanh, tạo cho kiến trúc có dạng hình chóp cụt. Những ô hình khối trụ vuông xây bao bọc xung quanh hình chữ nhật ở trung tâm có thể là những bệ đặt tượng thờ hay linh vật của Bà La Môn giáo. Và qua những dấu mòn lõm trên bậc tam cấp lên xuống ở phía đông đã cho thấy đền thờ này là nơi lui tới của nhiều tín đồ và đã tồn tại trong thời gian dài.
Giai đoạn sau là tường móng bẻ góc bên ngoài. Ở giai đoạn này, bố cục kiến trúc thuộc giai đoạn sớm vẫn được kế thừa. Vòng tường cũ không bị phá bỏ mà được đắp thêm để nối với vòng tường mới bên ngoìa với mục đích mở rộng qui mô kiến trúc. Giai đoạn này tường móng được xây thẳng đứng tạo tổng thể kiến trúc thành một khối chữ nhật. Tuy về mặt kỹ thuật xây cất, về phong cách nghệ thuật vẫn mang tính kế thừa, song kỹ thuật xây dựng giai đoạn sau kém phát triển hơn giai đoạn trước. Như vậy, hai giai đoạn kiến tạo nói trên có thể tương ứng với hai thời kỳ có sự thay đổi hoặc sự phát triển khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng.
Từ chất liệu kiến trúc, phong cách nghệ thuật, di vật, chỉ số niên đại C.14 (1870 ± 45BP, 1460 ± 45BP) ta biết được hai thời điểm tồn tại của di tích Lưu Cừ II, trong đó giai đoạn thứ nhất – giai đoạn thiết lập kiến trúc vào khoảng thế kỷ thứ nhất; giai đoạn thứ hai – giai đoạn mở rộng kiến trúc vào khoảng thế kỷ thứ năm. Cùng thời gian này trên vùng hạ lưu sông Mê Kông là thời kỳ hình thành và phát triển một nền văn hoá cổ nổi tiếng – Văn hoá Óc Eo.
Nguồn: Ngô Văn Tưởng – Bảo tàng Cửu Long