Chùa Phnô Om Pung (Chùa Long Trường)

Chùa Phnô Om Pung (Sirivansaràma hay còn được gọi là Chùa Long Trường) thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng, tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 23 km về hướng nam và cách thị trấn Trà Cú khoảng 12 km về hướng đông. Đến với di tích chùa Phnô Om Pung thuận lợi bằng đường bộ, từ thành phố Trà Vinh theo quốc lộ 54 Trà Vinh - Trà Cú, đến ngã ba Trạm (Phước Hưng) rẻ trái vào hương lộ 25. Đến ngã tư Tân Hiệp tiếp tục rẽ trái vào ấp Long Trường, rồi tiếp tục đi khoảng 500m là đến di tích.

 

Trong những năm kháng chiến, chùa Phnô Om Pung không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sróc, mà còn là cơ sở hoạt động bí mật, nơi cất giấu vũ khí mỗi khi thu được của địch và là địa điểm mít tinh, nơi tổ chức các cuộc hội họp đề ra kế hoạch tấn công địch, các phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai. Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng quê hương, đất nước.

Cũng như những ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer khác trong tỉnh, chùa Phnô Om Pung có quần thể kiến trúc mang đặc trưng chùa Khmer Nam Bộ. Ngôi chùa được tạo lập vào năm 1928 dương lịch, do ông Thạch Sa Rây, bà Thạch Thị Em hiến đất rồi cùng phật tử trong ấp xây dựng. Chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng 19.617,9 m2, quần thể kiến trúc gồm có: cổng chùa, chính điện, tăng xá, sala, trường học, tháp để cốt. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ như: sao, dầu, bình linh, tạo nên một khung cảnh thoáng mát và yên tịnh.

Cổng chùa được xây dựng giáp với hương lộ 25 bằng vật liệu kiên cố xi măng cốt thép gồm hai hàng cột (trước và sau) mỗi hàng có 4 cột, chính giữa là lối đi rộng. Trên các đầu cột thì gắn tượng Key-no (tiên nữ) và tượng chim thần Krud với hai cánh xòe chống đỡ mái trông rất uy nghiêm. Cổng được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ kính, phía trên có ba ngọn tháp tượng trưng cho tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).

Chính điện là công trình quan trọng với kiến trúc quy mô, là nơi tập trung tài năng, kỹ xảo của những nghệ nhân Khmer và biểu thị các giá trị kiến trúc, mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Chính điện được xây dựng vào năm 1928, đến nay đã qua vài lần trùng tu sửa chữa. Lần đại trùng tu lại chính điện là năm 2005.

Chính điện được xây dựng cao hơn hẳn so với các công trình kiến trúc khác, mặt quay về hướng đông, vì người Khmer quan niệm đức Phật ở hướng tây quay mặt về hướng đông để cứu độ chúng sinh. Nền chính điện được xây trên ba cấp, quanh cấp nền thấp và cấp hành lang có xây tường rào bao quanh. Ở giữa hai cạnh đông và tây có xây ba bậc tam cấp để lên xuống. Chính điện hình chữ nhật theo hướng đông tây, ở mỗi hướng của chính điện đều có hai cửa ra vào. Từ dưới bước lên nền chính điện có ba bậc gồm: bậc nền, bậc hành lang, và bậc chính điện. Bậc nền có 10 bậc, bậc hành lang có 7 bậc, và bậc chính điện có 2 bậc. Khung sườn chịu lực bên trong chính điện gồm nhiều cột. Gần vách tường phía tây là bệ thờ Phật, có nhiều tượng Phật với nhiều tư thế và kích thước lớn nhỏ khác nhau. Bậc trên cùng là tượng Preas Chi tượng Phật lớn (Preas Chi) bằng xi măng ngồi thiền trên toà sen.

Trên trần chính điện và xung quanh các bức tường bên trong được trang trí nhiều tranh vẽ với các đề tài về sự tích của đức Phật từ lúc mới sinh cho đến khi trở thành hoàng tử rồi trốn xuất cung vào rừng tu cho đến đắc đạo thành Phật và nhập niết bàn. Thượng trần chính điện có nhiều ô, gọi là “Pi-đanl”.

Trên mỗi đầu cột xung quanh chính điện đều được gắn tượng Key-no, riêng các cột ở ngay góc chính điện thì gắn tượng chim thần Krud với mình người đầu chim mỏ ngậm viên ngọc. Các tượng Krud với hai cánh tay khỏe khoắn chống đỡ mái một cách nhẹ nhàng.

Mái chùa lợp ngói vẩy cá (Ska-niek). Trên mỗi đỉnh góc mái được đắp một khúc đuôi rồng dài gọi là (Chồ-Wia), uốn mềm mại, cong vút. Trên các bờ dãy giáp mí của các nếp mái được đắp các tượng rồng (Phu chông), đầu rồng ở dạng kép nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái uốn cong ngược lên trên 30o gọi là (Bai-dô-ka). Ở hai đầu hồi (Hô cheang) chính điện được xây kín và chạm trổ những dây lá cuộn (Pha-nhi-vọ). Phía ngoài (Hô-cheang) có đầu rồng nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái uốn cong ngược lên trên 45bao quanh (Hô-cheang) gọi là (Đòn-ka-đà). Xung quanh diềm mái chính điện có gắn (Rum-dôi-sa-bu) hoa văn diềm mái được các nghệ nhân thể hiện bằng loại hoa văn (Chô-khdol-boks) chạm trổ rất tinh xảo cũng bằng gỗ…

Ngoài ra, các công trình kiến trúc nghệ thuật trong khuôn viên chùa như: sala, tăng xá, cột cờ, trường học, tháp đựng hài cốt... còn là một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần, giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer.

 

Trải qua tiến trình lịch sử, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer. Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt của cả cộng đồng, tùy vào phạm vi ảnh hưởng mà từng ngôi chùa được xem như là mái nhà chung của con dân trong phum sróc. Ở chùa Khmer không chỉ hoạt động tín ngưỡng tôn giáo mà còn là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của dân tộc, nơi giáo dục, bảo lưu chữ viết dân tộc và đào tạo nghề cho thế hệ trẻ thanh niên Khmer. Mọi hoạt động trong đời sống của người dân Khmer từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi đều gắn liền với tôn giáo, với ngôi chùa.

Ngôi chùa với những lễ nghi cầu cúng, đã góp phần hữu hiệu vào việc đẩy mạnh ảnh hưởng của Phật giáo vào đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, vào cách ăn mặc, nếp nghĩ, lối sống của người dân Khmer. Chùa là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của dân tộc như: Bunl Chôl Chnam Thmây (Lễ Vào năm mới hay Lễ Chịu tuổi); Pithi Sêne Đôlta (Lễ cúng ông bà); Bunl Som Peah Preah Khe hoặc Ok Om Bok (Lễ cúng trăng hay đút cốm dẹp).

Ngoài các lễ hội truyền thống, ở chùa còn tổ chức nhiều lễ hội khác gắn liền với Phật giáo Nam Tông Khmer như: Bunl Meak Bôchea (Lễ Ban hành giáo lý); Bunl Pisat Bôchea (Lễ Phật Đản); Bunl Chol Vasa (Lễ Nhập hạ); Bun Chênl Vasa (Lễ Xuất hạ); Lễ Dâng y (Kathina); Bunl Pithea Pisek (Lễ an vị tượng Phật)…

Nguồn: Nguyễn Hoàng Tuấn – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh

(Bảo tàng tổng hợp).

 

 

Điểm đến