Chùa Long Thành (Chùa Xẻo Son)
Chuyên mục: Điểm đến | Date: 09/12/2024 10:47Quét mã để xem trên di động
Chùa Long Thành còn gọi là chùa Xẻo Son tọa lạc ở ấp Long Thuận, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - là một trong những ngôi chùa giàu truyền thống cách mạng.
Chùa Long Thành (chùa Xẻo Son) là di tích lịch sử cách mạng, tọa lạc ở ấp Long Thuận, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa nằm cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 40 km về hướng nam, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 9 km về hướng tây. Ngôi chùa quay mặt về hướng tây bắc giáp với sông Trà Cú. Đến với chùa thuận lợi nhất bằng đường sông, hoặc xe môtô từ đập Trà Cú chạy theo đường đal khoảng 10 km là gặp di tích nằm phía bên phải.
Dựa theo tài liệu chép tay của chùa còn lưu giữ, chùa Long Thành do ông Nguyễn Công (Pháp danh Thiện Trí), sinh năm 1873, quê quán huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là Thành phố Cần Thơ) đứng ra xây dựng vào năm 1908, đến năm 1910 mới hoàn thành.
Ngôi chùa lúc mới xây cất đơn sơ bằng tre lá, nằm sát với một con xẻo, có tên là Xẻo Son. Xẻo là con rạch nhỏ, dòng nước đổ ra sông, có ghe xuồng qua lại, lâu ngày lớn dần gọi là xẻo. Son có nghĩa là màu đỏ, vì màu nước ở con xẻo này khi chảy ra có màu hoàng thổ gần với màu đỏ nên người dân trong vùng còn gọi là son. Vì vậy, tên chùa cũng gọi theo tên con xẻo này. Sau khi ngôi chùa được tạo lập, nhà sư Nguyễn Công cùng với bà con phật tử luôn chăm lo sửa sang ngôi chùa để làm nơi tu hành và giảng đạo cho phật tử. Đến năm 1920, nhà sư Nguyễn Công được Trung ương Hội Chủ tăng đề cử phong Hòa thượng pháp danh Thiện Trí theo hệ phái Thiền Lâm. Từ đây ngôi chùa cũng được đặt tên chính thức là chùa Long Thành.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Lưu Nghiệp Anh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện bản chất kiên cường, bất khuất, bám đất, bám làng, bám địch lập nên những thành tích có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ vùng căn cứ cách mạng. Trong đó, chùa Long Thành là một trong những cơ sở hoạt động của chính quyền cách mạng, có công lao lớn trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại đây thường xuyên có các cơ quan của huyện và xã về đóng như: Thường trực Huyện ủy, Huyện đội, Đảng ủy xã Lưu Nghiệp Anh và nhiều bộ phận khác. Vì vậy, chùa Long Thành là địa điểm giáo dục truyền thống vô cùng quan trọng về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Nó minh chứng cho chúng ta thấy, trong những lúc khó khăn gian khổ của cách mạng, thì luôn có những con người một lòng một dạ.
Sau giải phóng ngôi chùa xuống cấp, bà con phật tử tu sửa lại để thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng trong những ngày lễ của Phật giáo. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, chùa lập Ban Hộ tự đồng thời Tỉnh hội Phật giáo Trà Vinh bố trí sư cô Diệu Đường xuống nhập tự và trụ trì đến nay.
Chùa Long Thành tọa lạc trong khu vườn rộng 11.070 m2 với nhiều loại cây ăn quả như: dừa, xoài, mít… phía trước giáp sông Trà Cú. Cổng chùa xây dựng bằng xi măng cốt thép cao 3m lợp tôn ghi chữ Chùa Long Thành. Từ cổng vào theo đường đất khoảng 90m, giữa lối đi phía bên phải là miếu Thổ thần, bên trái tượng phật Quan Âm cao 3,8m, phía sau tượng Quan Âm là hòn non bộ cao 5m, trên đó có tượng Tề Thiên, Tam Tạng đi thỉnh kinh.
Chính điện được xây dựng bằng vật liệu bền vững, mái lợp ngói gồm 3 gian: chính điện, hậu tổ, tăng xá.
Bàn thờ chính điện cao 3m gồm 4 cấp chính giữa là phật Thích Ca, xuống một bậc bên phải phật Di Đà, bên trái phật Di Lặc, xuống bậc kế tiếp bên phải là ông Tiêu, trái Ông Hộ, Bậc dưới cùng có 7 vị phật Dược Sư cùng với lư hương, mỏ và bộ phan. Đối diện với chính điện bên trái là tượng ông Tiêu Diện cùng với đại hồng chung, bên phải ông Hộ Pháp cùng trống lớn. Phía sau chính điện là nhà hậu tổ thờ sư tổ Đạt Ma, ở giữa có bàn thờ Chuẩn Đề, phía sau là bàn thờ tổ Khai Sơn (ghi ơn những người có công đối với ngôi chùa). Bên phải là bàn Dong nam, trái là bàn Dong nữ.
Hai bên chính điện bên phải là nhà khách và nhà trù, bên trái là mộ của ông Thiện Đôn (người có công giữ gìn ngôi chùa), cùng tháp của Hoà thượng Thiện Trí cao 8,4m, diện tích 48m2 được xây dựng năm 1937. Tháp được xây theo hình lục giác gồm 3 tầng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi tháp góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ khu căn cứ.
Nguồn: Kiên Tiên – Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Trà Vinh (Bảo tàng tổng hợp).