Trà Cú: Phát triển chuỗi du lịch kết nối các điểm di tích và làng nghề
Chuyên mục: Văn hóa | Date: 25/11/2024 09:19Quét mã để xem trên di động
Theo Đề án “Phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, huyện Trà Cú phấn đấu đón 225.000 lượt khách, doanh thu 80 tỷ đồng (năm 2025) và đến năm 2030 đón 560.000 lượt khách với doanh thu 200 tỷ đồng.
Theo Đề án “Phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, huyện Trà Cú phấn đấu đón 225.000 lượt
khách, doanh thu 80 tỷ đồng (năm 2025) và đến năm 2030 đón 560.000 lượt khách với doanh thu 200 tỷ đồng.
Là một huyện của tỉnh Trà Vinh nằm gần cửa Sông Hậu, huyện Trà Cú có 37/143 chùa Khmer của tỉnh; trong này, có 05 điểm chùa Khmer và 01 chùa Bắc Tông được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, 01 Di tích khảo cổ cấp Quốc gia (Khu Di tích khảo cổ Lưu Cừ hay còn gọi Lưu Cừ II) cùng với một số làng nghề của đồng bào Khmer, mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ như: Làng nghề dệt chiếu Hàm Tân, Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang...
Múa chằn trong buổi lễ rước bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Mé Láng, thị trấn Định An, huyện Trà Cú.
Bà Thạch Kim Hạnh, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Cú cho biết: năm 2023, Trà Cú phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM; bên cạnh đó, vai trò du lịch được đặc biệt quan tâm và sẽ đầu tư căn cơ hơn, trong đó thông qua việc huyện đang triển khai xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030” là điều kiện thuận lợi để đưa du lịch huyện Trà Cú nói riêng của tỉnh Trà Vinh nói chung phát huy được thế mạnh của từng địa phương trong thực hiện gắn chuỗi du lịch, tạo điểm nhấn cho từng vùng, từng địa phương thông qua các điểm di tích, làng nghề… của cộng đồng dân cư nơi đó, từng bước hình thành điểm đến, đón khách du lịch.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện đã tiếp đón hơn 2.752 lượt khách du lịch đến tham quan, thăm các điểm chùa, di tích, làng nghề trên địa bàn huyện. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, đã thực hiện hỗ trợ cho một số cơ sở, làng nghề truyền thống như hộ làm bánh dân gian (quán Cô Diễm); làm mặt nạ (cơ sở Kim Mạnh), trang phục truyền thống Khmer (cơ sở Kim Sông), kinh phí 80 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ nhà hàng ẩm thực Rít Thi và cà phê Bên Sông, hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà hàng…
Với nghề may trang phục truyền thống của đồng bào Khmer từ hơn chục năm nay; hàng năm đưa sản phẩm trang phục truyền thống Khmer từ 170 - 200 bộ trang phục, với hơn 10 loại trang phục để phục vụ trong các dịp lễ, hội của đồng bào Khmer như lễ cưới, hỏi… Từ tháng 10/2019, cơ sở may Kim Sông đã được đầu tư chuyển sang trang phục để cho du khách tham quan hoặc mua sắm.
Ông Kim Ngọc Sông, chủ cơ sở may trang phục truyền thống dân tộc Khmer, ấp Thanh Xuyên, xã Kim Sơn cho biết: sau khi được hỗ trợ nguồn vốn của tỉnh trong phát triển du lịch, gia đình đã chuyển các trang phục truyền thống từ khách địa phương hướng đến khách du lịch để quảng bá văn hóa Khmer. Khi chuỗi kết nối du lịch được ổn định và phát triển, cơ sở cũng hướng đến đào tạo và truyền nghề cho các thợ may có tâm huyết về bảo tồn trang phục của Khmer.
Trang phục truyền thống của đồng bào Khmer có sức hút với khách du lịch rất lớn; ngoài mẫu mã cũng như phong cách khá ấn tượng về truyền thống của đồng bào Khmer. Từng trang phục sẽ thể hiện cho các hoạt động mà người Khmer tham dự tại những buổi lễ, tết được thể hiện qua trang phục.
Cũng theo ông Kim Ngọc Sông, để đa dạng về mẫu mã, ông thường xuyên nghiên cứu, tham khảo các tư liệu cổ của dân tộc Khmer để sưu tầm và dựa vào đó để chế tác qua sản phẩm thể hiện trên nhiều loại vải khác nhau. Hiện nay, các mẫu trang phục có giá tương đối được khách ưa chuộng từ 0,8 - 2,5 triệu đồng/bộ.
Làng nghề đan đát ở Đại An đã có gần 100 năm và tồn tại trong suốt thời gian dài nhờ “cha truyền, con nối” trong từng gia đình. Có những lúc làng nghề đan đát từng “ăn nên làm ra” vào những thập niên 70, 80 và 90 (khi đồ nhựa chưa phát triển). Hầu hết trong từng gia đình của người dân vùng nông thôn nơi đây luôn có các sản phẩm đan đát làm bằng tre, trúc như rổ, thúng, nia, xà ngôn, cần xé, ky… trở nên khá quen thuộc trong sinh hoạt của các gia đình.
Ông Kim Ngọc Sông kiểm tra sản phẩm (trang phục Khmer) trước khi bàn giao cho khách hàng.
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng hay các tour du lịch kết nối về các làng nghề để khách tham quan đang trở thành xu hướng khá phát triển trong những năm gần đây. Với việc triển khai Đề án “Phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, đây là điều kiện để đưa các hoạt động làng nghề không chỉ ở huyện Trà Cú, cùng các nơi khác trong tỉnh hình thành điểm đến lý tưởng cho du khách khi ghé Trà Vinh. Thông qua đó, giá trị sản phẩm trong từng làng nghề sẽ không ngừng gia tăng thông qua chuỗi cung ứng cho khách du lịch, góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập người dân nông thôn, đưa phong trào XDNTM ngày càng phát huy tính chủ động trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn từ gắn kết theo chuỗi…
Nghệ nhân Diệp Thị Trang, xã Đại An, cho biết: mặc dù nghề đan đát trong xã có từ rất lâu, nhưng các sản phẩm đan đát thu nhỏ phục vụ khách du lịch được sản xuất từ khoảng năm 2002 đến nay. Tuy nhiên, đời sống của người dân làng nghề còn nhiều khó khăn, do sản phẩm còn hạn chế khi đưa ra thị trường. Mô hình du lịch gắn kết theo chuỗi liên kết về các làng nghề, sẽ mang lại hiệu quả cao cho người dân vùng nông thôn nhờ sản xuất, bán các sản phẩm cho khách du lịch cũng như gia tăng giá trị thông qua du lịch mang lại cho làng nghề…
Ông Huỳnh Thanh Lam, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Cú cho biết: theo Đề án “Phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, huyện Trà Cú phấn đấu đón 225.000 lượt khách, doanh thu 80 tỷ đồng (năm 2025) và đến năm 2030 đón 560.000 lượt khách với doanh thu 200 tỷ đồng.
Cùng với đó, cảng Bến Bạ cần được đầu tư để trở thành cảng du lịch, kết nối với thị trường Cần Thơ và đưa khách đi Côn Đảo. Giải pháp triển khai là Nhà nước đầu tư hạ tầng thiết yếu và kinh phí xúc tiến - quảng bá điểm đến; còn cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch cụ thể sẽ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư vốn thực hiện.